Mục lục
Bên cạnh kỳ thi THPT quốc gia thì xét tuyển đại học thông qua kỳ thi đánh giá năng lực cũng được nhiều thí sinh quan tâm. Nếu bạn đang chuẩn bị tham gia kỳ thi này nhưng chưa nắm rõ cách tính điểm đánh giá năng lực như thế nào, hãy tham khảo bài viết dưới đây của Tra điểm vnEdu nhé.
Thi đánh giá năng lực là gì? Bao gồm những nội dung gì?
Thi đánh giá năng lực là kỳ thi do các trường Đại học lớn tại Việt Nam tổ chức riêng và sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học. Kỳ thi này được xem là một bài kiểm tra để đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh.
Tham gia kỳ thi đánh giá năng lực các thí sinh sẽ có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH lớn, đồng thời đây cũng là cơ hội để ôn tập, kiểm tra lại lượng kiến thức đã học ở cấp THPT trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học.
Nội dung bài thi ĐGNL sẽ tích hợp giữa kiến thức đã học và tư duy. Thông thường, các câu hỏi sẽ bao gồm các môn liên quan đến tư duy logic, phân tích số liệu, khả năng giải quyết các vấn đề và sử dụng ngôn ngữ.
Cách tính điểm đánh giá năng lực chi tiết các trường
Mỗi trường đại học sẽ có cách tính điểm thi đánh giá năng lực khác nhau. Vì vậy thí sinh chỉ cần quan tâm đến cách tính điểm của cơ sở mình đăng ký thi.
Cách tính điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM
Thang điểm đánh giá năng lực của ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh được tính theo thang điểm 1200 gồm 120 câu hỏi. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là mỗi câu hỏi tương ứng 10 điểm.
Điểm số mỗi câu hỏi sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ khó, tính tư duy, logic và độ phân hóa. Trong đó điểm số tối đa của từng phần thi được quy định lần lượt là:
Phần 1 – Sử dụng ngôn ngữ: 400/1200 điểm gồm 40 câu hỏi
Phần 2 – Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu: 300/1200 điểm gồm 30 câu hỏi
Phần 3 – Giải quyết vấn đề: 500/1200 điểm gồm 50 câu hỏi
Công thức tính điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Điểm thi đánh giá năng lực = Tổng điểm 3 phần thi + Điểm ưu tiên (nếu có)
Tuy nhiên, nhiều trường Đại học xét tuyển điểm thi ĐGNL theo thang điểm 30. Bạn có thể áp dụng công thức quy đổi điểm ĐGNL theo hệ số 30 như sau:
Điểm thang 30 = Điểm thi đánh giá năng lực x 30/1200
Cách tính điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội có tổng điểm là 150 dựa trên tổng đáp án trả lời đúng của thí sinh. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên máy tính và nhận kết quả ngay sau khi hoàn thành bài thi. Cụ thể các phần thi như sau:
Phần 1 – Tư duy định lượng: Gồm 50 câu hỏi môn Toán với tổng thời gian làm bài là 75 phút;
Phần 2 – Tư duy định tính: Gồm 50 câu hỏi môn Ngữ văn và Ngôn ngữ, thời gian làm bài là 60 phút.
Phần 3 – Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội: Gồm 50 câu hỏi, thời gian làm bài 60 phút.
Lưu ý: Trong quá trình làm bài thi sẽ xuất hiện 01 – 04 câu hỏi thử nghiệm xuất hiện một cách ngẫu nhiên và không tính điểm. Thời gian làm bài của thí sinh sẽ tăng thêm 02 – 04 phút nếu có câu hỏi thử nghiệm xuất hiện.
Nếu thí sinh trả lời đúng sẽ được cộng 1 điểm, nếu trả lời sai hoặc không trả lời thì không được tính điểm.
Điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được tính theo công thức dưới đây :
Điểm thi đánh giá năng lực = Điểm Tư duy định lượng + Điểm Tư duy định tính + Điểm Khoa học tự nhiên/Khoa học xã hội
Nếu quy đổi sang thang điểm 30 thì áp dụng công thức như sau:
Điểm thang 30 = Điểm thi đánh giá năng lực x 30/150
Cách tính điểm đánh giá năng lực của Đại học Bách Khoa Hà Nội
Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Bách Khoa Hà Nội được tính dựa theo thang điểm 100 với thời gian thi là 150 phút.
Nội dung câu hỏi bao gồm 3 phần thi bắt buộc liên quan đến các kiến thức: Tư duy toán học, Tư duy đọc hiểu và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề.
Bài thi sẽ thực hiện theo hình thức thi trắc nghiệm với cấu trúc như sau::
Phần 1– Tư duy Toán học: 40 điểm, thời gian làm bài 60 phút
Phần 2– Tư duy Đọc hiểu: 20 điểm, thời gian làm bài 20 phút
Phần 3- Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề: 40 điểm, thời gian làm bài 40 phút.
Lệ phí thi Đánh giá năng lực
Mỗi Đại học sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng nên lệ phí tại mỗi trường cũng khác nhau. Dưới đây là lệ phí thi ĐGNL tại một số trường, các bạn thí sinh tham khảo:
Lệ phí thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM
Lệ phí đăng ký dự thi: 300.000 VNĐ/lượt thi.
Thí sinh nộp lệ phí bằng các phương thức thanh toán sau: Ví Viettel Money, ví Momo, ví Payoo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng.
Lệ phí thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội
Lệ phí đăng ký dự thi: 500.000 VNĐ/lượt thi.
Thí sinh có thể nộp lệ phí bằng các phương thức thanh toán sau: Ví Viettel Money và chuyển khoản qua ngân hàng.
Kỳ thi đánh giá năng lực không chỉ giúp thí sinh kiểm tra kiến thức, khả năng giải quyết vấn đề, tư duy mà còn mang đến cơ hội đỗ vào trường Đại học mong muốn. Tra cứu điểm vnEdu hy vọng bạn đã hiểu cách tính điểm đánh giá năng lực trên và tự tin ôn tập để đạt được kết quả cao nhất.